Quận Ngô Quyền có vị thế địa chính trị quan trọng là trung tâm đô thị và đầu mối giao thông của thành phố Cảng Hải Phòng, quê hương của những địa danh nổi tiếng Gia Viên, Lạc Viên, Cầu Tre, Cầu Đất, Máy Tơ, Máy Chai… đã đi vào lịch sử, được vinh dự mang tên vị Anh hùng dân tộc Ngô Quyền - Người có công chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, xây nền tự chủ của nước Đại Việt.
Quận có diện tích tự nhiên là 11,24 km2, phía bắc giáp sông Cấm (Thủy Nguyên), phía Đông- Nam giáp quận Hải An, phía Tây giáp quận Hồng Bàng, Lê Chân. Dân số hơn 165 nghìn người với 12 đơn vị hành chính phường gồm: Máy Tơ, Cầu Đất, Lạch Tray, Lê Lợi, Gia Viên, Lạc Viên, Cầu Tre, Vạn Mỹ, Máy Chai, Đồng Quốc Bình, Đằng Giang, Đông Khê.
Quận Ngô Quyền là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa của sông Cấm và sông Lạch Tray, nơi đây có vị trí địa lý thuận lợi nên được các triều đại phong kiến thực hiện chính sách di dân đến khai hoang lấn biển, tạo lực lượng tại chỗ bảo vệ vùng “phên dậu” của đất nước, nhất là sau các chiến thắng Bạch Đằng năm 938, 981, 1288.
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và tiến hành mở rộng khai thác thuộc địa, trên địa bàn tương ứng với Quận Ngô Quyền hiện nay thuộc khu “người bản xứ” gồm chủ yếu người Việt, Hoa Kiều nhưng cũng có rất nhiều tư sản Pháp và nước ngoài khác mở mang phố xá, xây dựng dinh thự, nhà hàng, hãng buôn, trụ sở của nhiều cơ quan chức năng của thành phố. Các tuyến phố được hình thành: Đường thống chế Giốp (Điện Biên Phủ - đoạn từ ngã tư Trần Phú đến ngã Sáu), phố Lindơ (đoạn từ ngã Sáu đến ngã Năm), phố Bengích (Lê Lợi), Têa (Chu Văn An), Pôn Đume (Cầu Đất), Bonnan (Trần Phú), Clêmăngxô (Lương Khánh Thiện)…. nhà cửa, công sở, dinh thự, nhà thờ, khách sạn, rạp hát lần lượt mọc lên, nhiều khu phố trở thành nơi dân cư đông đúc, buôn bán nhộn nhịp. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, vùng đất này từng bước được đô thị hoá, là một bộ phận của thành phố Cảng, cửa khẩu giao lưu quốc tế duy nhất, trung tâm kỹ nghệ, kinh tế - văn hóa của xứ Bắc Kỳ và Đông Dương thuộc Pháp.
Vùng đất Ngô Quyền luôn là điểm hội cư của những người dân từ nhiều vùng miền đến sinh cơ lập nghiệp. Những cư dân đầu tiên gắn liền với việc cô gái trẻ Lê Chân, vì nợ nước thù nhà, đã cùng trai tráng từ trang An Biên, Đông Triều đến khai phá đất hoang, tạo dựng cuộc sống và trở thành Nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 - 44 đầu Công nguyên. Cộng đồng dân cư “gốc” cùng với những người lao động từ các miền quê hội tụ về đã cùng nhau tạo lập cuộc sống, trở thành công nhân, thương nhân, trí thức…. Họ đã không ngừng vun đắp lên những truyền thống quí báu trong lao động sản xuất, bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc, đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bất công và ngoại xâm, góp phần vào sự nghiệp cách mạng, kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở nhiều khu dân cư, dù nay được đô thị hoá, vẫn bảo lưu được những yếu tố văn hoá vật chất khá phong phú gắn với tín ngưỡng của cộng đồng. Nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo nổi tiếng được xây dựng sớm, có nghệ thuật kiến trúc cao, gắn với truyền thống lao động và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ xa xưa: Đình Gia Viên, Đình Lạc Viên, Đình Đông Khê, Đình Phụng Pháp, Chùa Đông Khê, Chùa Phụng Pháp, Chùa Đỏ, Đền Tiên Nga, Miếu An Đà…
Quá trình lao động và đặc điểm địa phương đã tạo nên một thế hệ con người Ngô Quyền biết giữ gìn truyền thống văn hoá của người Hải Phòng “Trung Dũng - Quyết Thắng”, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cần cù trong lao động, tích cực học tập, nhiệt tình công tác, có phong cách văn minh của người lao động công nghiệp, có sức khoẻ tốt, trong sáng về tâm hồn, lành mạnh về đạo đức lối sống, có đời sống văn hoá tinh thần phong phú với nét văn hoá truyền thống tốt đẹp mang bản sắc riêng.
Cùng với quá trình đô thị hoá, phát triển kỹ nghệ, thương mại, thành phố Hải Phòng trở thành điểm hội cư lớn nhất Bắc Kỳ. Trên địa bàn Ngô Quyền, chỉ tính số công nhân, lao động có khoảng 13.000 người, chiếm phần quan trọng trong đội ngũ công nhân và Nhân dân lao động thành phố, đã đoàn kết chặt chẽ trong đấu tranh chống tư bản áp bức, bóc lột. Năm 1904, thủy thủ tàu biển Nguyễn Hữu Tuệ, người làng Gia Viên, đã chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước, nhất là phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, ông đã nuôi giấu Phan Bội Châu tại đền Tiên Nga và bí mật đưa lên tàu biển để xuất dương.
Đầu những năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lập hệ thống giao thông liên lạc trên các tàu biển tuyến Pháp - Sài Gòn - Hải Phòng, tuyến Quảng Châu - Hồng Công - Hải Phòng - Sài Gòn để chuyển tài liệu, sách báo cách mạng, đưa đón thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện. Ông Nguyễn Hữu Tuệ người làng Cấm, ông Trần Phương Đồn, người Đông Khê đã tích cực đưa đón cán bộ, vận chuyển sách báo, tài liệu về nước.
Năm 1929, Đại hội đại biểu Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ nhất trí thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngay sau đại hội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về Hải Phòng thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng. Trong số 04 đảng viên đầu tiên, có 02 đồng chí Lương Khánh Thiện, Hoàng Văn Đoài là công nhân các nhà máy trên địa bàn Ngô Quyền
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về nước trực tiếp giữ chức Bí thư Tỉnh Đảng bộ (04/1930). Trên địa bàn Ngô Quyền có 02 chi bộ: Chi bộ Cảng và chi bộ ghép gồm đảng viên của các nhà máy Tơ, máy Chai, Điện cửa Cấm, máy Bát, máy Gạch, gọi là chi bộ phía Đông. Tỉnh ủy đã tích cực phát triển các cơ sở bí mật ở trong nội và ngoại thành, tạo điều kiện cho các cơ quan của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ đặt trụ sở. Trên địa bàn Ngô Quyền có nhiều cơ sở quan trọng: Nhà số 7 ngõ Quảng Lạc, Cầu Đất là trụ sở của Tỉnh uỷ Hải Phòng; nhà số 8 ngõ Quảng Lạc, Cầu Đất là cơ quan Giao thông và Tài chính của Xứ uỷ; nhà số 80 Cầu Đất (Chân Mỹ Lầu – nay là số 104) là điểm giao thông, liên lạc quốc tế của Trung ương Đảng; ngõ Đá, Cầu Đất và gác hai số nhà 166 A (nay là 203 Lê Lợi) phố Ben-gích (Lê Lợi) là nơi làm việc của cơ quan Tuyên huấn của Xứ uỷ; nhà 137 phố Tám Gian là cơ quan in của Xứ ủy…
Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, như: Đồng chí Trần Phú (Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng); Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ); Đồng chí Lê Duẩn cán bộ Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (sau là Tổng Bí thư Đảng CSVN); Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Bí thư Thành ủy - sau là Tổng Bí thư Đảng CSVN); Đồng chí Lương Khánh Thiện (Bí thư Liên Tỉnh ủy B), Đồng chí Tô Hiệu (Bí thư Khu ủy B, Bí thư Thành ủy) và nhiều cán bộ chủ chốt khác trưởng thành từ người thợ, bí mật bám trụ trên địa bàn Ngô Quyền để hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước quốc dân và thế giới. Vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động liên kết với nhau bao vây, chống phá quyết liệt. Ở miền Bắc, khoảng 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào đóng ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương. Ngày 13/9/1945, hơn 02 vạn quân Tưởng thuộc quân đoàn 50 kéo vào Hải Phòng - Kiến An. Chúng chiếm nhiều vị trí quan trọng trong thành phố, trong đó có các điểm trên địa bàn Ngô Quyền: Trại lính khố xanh, Cảng, chùa Đỏ, khu quần Ngựa, chúng ra sức phá hoại thành quả cách mạng, vơ vét, bóc lột Nhân dân…
Để chống giặc đói, Nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất cứu đói. Tại các đường phố, công sở, nhà máy... lập tổ lạc quyên đi quyên góp về cứu giúp người đói. Để khắc phục khó khăn về tài chính, Chính phủ ra sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập, tiếp đến là Tuần lễ vàng (từ 17-24/9/1945) để động viên mọi người đóng góp tiền của ủng hộ chế độ mới. Nhân dân Ngô Quyền nhiệt liệt tham gia các cuộc vận động này. Gia đình nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà đã góp 105 lạng vàng – gia đình ủng hộ số vàng cao nhất cả nước. Các làng xã : Gia Viên, Lạc Viên, Đông Khê, Đằng Giang, chính quyền đã vận động và tổ chức cho nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phấn đấu “Không để một tấc đất hoang”.
Ngày 30/10/1946, quân Pháp ở Hải Phòng ra mật lệnh về kế hoạch đánh chiếm thành phố. Trên khu vực Ngô Quyền, chúng chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng: Đền Tiên Nga, nhà của gia đình ông Nguyễn Sơn Hà, chùa Đỏ, nhà máy Tơ, nhà máy Điện cửa Cấm.... Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hiệp định Giơnevơ qui định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam lấy giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết là vĩ tuyến 17. Hải Phòng nằm trong vùng tập kết chuyển quân của quân đội Pháp, trên địa bàn Ngô Quyền có cảng biển, sân bay Cát Bi, nhà ga xe lửa, nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn, có trại giam do địch tập trung đông tù nhân … Sau 300 ngày đấu tranh quyết liệt những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp, ngày 13/5/1955, Hải Phòng tưng bừng trong cờ, hoa, biểu ngữ và rừng người chào mừng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng thành phố. Tại ngã Sáu, đại diện quân đội viễn chinh Pháp đã ký vào biên bản bàn giao toàn khu vực. Binh lính Pháp lầm lũi xuống tàu rời bến Cảng. Thành phố Hải Phòng hoàn toàn giải phóng. Nhân dân Ngô Quyền, với truyền thống yêu nước, đã theo Đảng tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và kháng chiến thắng lợi. Những thành tích đáng tự hào đó sẽ tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước.
Sau ngày Hải Phòng giải phóng, trước những yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo đề nghị của Hội đồng nhân dân thành phố (khoá 2) ngày 05/7/1961, Chính phủ ra Quyết định số 92/CP thành lập 3 khu phố nội thành Hải Phòng gồm: Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân. Khu phố Ngô Quyền có diện tích là 4,1 km2, chiếm 1/3 đất đai nội thành; dân số gần 60.000 người.
Ngày 21/7/1961, Uỷ ban hành chính thành phố chỉ định Uỷ ban hành chính lâm thời Khu phố Ngô Quyền. Cùng với việc chỉ định Uỷ ban hành chính lâm thời, Thành ủy ra quyết định thành lập Đảng bộ khu phố. Ngày 26/02/1962, Đảng bộ Khu phố Ngô Quyền tổ chức Đại hội lần thứ Nhất. Đại hội đánh giá: Năm 1961, nhất là 6 tháng kể từ ngày được thành lập khu phố, đã đạt được nhiều thành tích trên mọi mặt công tác, góp phần vào thành tích chung của thành phố. Từ đầu tháng 02/1965, không quân Mỹ mở các chiến dịch đánh phá miền Bắc. Xác định Khu phố Ngô Quyền là một trong những trọng điểm máy bay Mỹ tập trung đánh phá, Đảng bộ, chính quyền khu phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị, đoàn thể và lực lượng vũ trang địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân, bố trí sản xuất và chiến đấu chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Toàn khu phố tích cực hưởng ứng phong trào thi đua Tất cả cho sản xuất; Tất cả cho tiền tuyến; Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (từ ngày 20/4/1967 đến ngày 30/3/1968), khu phố Ngô Quyền đã bị máy bay Mỹ đánh phá 123 trận, ném 19.370 quả bom, đạn các loại, trên 100 người chết, bị thương, 400 ngôi nhà bị phá hủy. Đảng uỷ, chính quyền, quân và dân Khu phố Ngô Quyền đã nêu cao quyết tâm chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi và tích cực chi viện cho tiền tuyến. Hàng trăm tập thể cá nhân chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng nêu cao khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cán bộ, đảng viên, quân dân Ngô Quyền và các lực lượng sản xuất, chiến đấu trên địa bàn khu phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 6 Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Ngày 16/4/1972, máy bay Mỹ ném bom rải thảm Hải Phòng, trong đó có khu Cầu Tre, trường cấp III Thái Phiên và một số điểm trong Khu phố Ngô Quyền. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai diễn ra trong thời gian không dài nhưng vô cùng ác liệt, mang tính huỷ diệt lớn. Khu phố Ngô Quyền, một trong những trọng điểm kinh tế, dân cư, giao thông quan trọng của thành phố, bị giặc Mỹ huỷ diệt. Chúng đã đánh vào địa bàn khu phố 57 trận, với 267 quả bom phá nổ ngay, 4 quả bom điều khiển, 13 quả tên lửa, 12 quả bom xuyên mẹ, 2.280 quả bom xuyên con xuống hầu hết đường phố, tiểu khu, làm 246 người chết, 282 người bị thương; 1.525 ngôi nhà; 131 máy, thiết bị, 535 tấn hàng hoá bị phá huỷ hoặc hư hỏng nặng.
Sau mười bốn năm (1961-1975), kể từ ngày thành lập, Đảng bộ, chính quyền Khu phố Ngô Quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, quân và Nhân dân khu phố vượt qua những khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Khu phố Ngô Quyền đã lao động sôi nổi trong các phong trào thi đua yêu nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu kiên cường, tích cực đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Những thành tích đạt được là rất đáng tự hào, đánh dấu một thời kì lịch sử gian khó và hào hùng, là cơ sở rất quan trọng cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Khu phố Ngô Quyền vươn lên trong thời kỳ cách mạng mới.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, cả nước bước vào kỷ nguyên: Độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với cả nước và thành phố, Đảng ủy và các đoàn thể quần chúng khu phố đã tổ chức trọng thể những hoạt động mừng thắng lợi. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ… diễn ra sôi nổi. Cán bộ, quân và dân Khu phố Ngô Quyền biểu thị quyết tâm phát huy khí thế chiến thắng, hoàn thành thắng lợi các chủ trương của Đảng và những nhiệm vụ về kinh tế - xã hội do Đảng bộ khu phố đề ra.
Ngày 15/01/1981, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 83/QĐ-TCCQ về việc đổi tên khu phố thành quận và đổi tên tiểu khu thành phường, Khu phố Ngô Quyền nay gọi là Quận Ngô Quyền. Về địa giới hành chính, Quận Ngô Quyền giáp các quận Hồng Bàng, Lê Chân, các huyện An Hải, Kiến Thuỵ. Trên địa bàn quận có sân bay Cát Bi, Ga Hải Phòng, Cảng Hải Phòng và các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản; các trung tâm văn hoá-thể thao của thành phố và các khu tập thể công nhân lao động… Đây chính là cơ sở rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của quận. Việc thành lập quận vừa tạo ra thời cơ phát triển mới, đồng thời cũng đặt ra những đòi hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân quận Ngô Quyền phải phấn đấu, nỗ lực cao để hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Cùng với việc thống nhất tên gọi cấp hành chính, Thành ủy đã ban hành quyết định đổi các cấp ủy thành Quận ủy, Đảng ủy phường.
Thời kỳ đầu thành lập, tình hình hoạt động của quận, phường, nhất là cấp phường, còn gặp nhiều khó khăn: Chức năng, nhiệm vụ chưa được qui định cụ thể, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu, chưa có kinh nghiệm công tác, còn lúng túng về cách tổ chức và phương thức chỉ đạo. Việc thành lập quận vừa tạo ra thời cơ phát triển mới, đồng thời cũng đặt ra những đòi hỏi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quận Ngô Quyền phải phấn đấu, nỗ lực cao để hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Thập kỷ 1975-1985, đất nước ta đứng trước những thác thức to lớn. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đầy hy sinh, gian khổ vừa dứt, các thế lực đế quốc và thù địch lại gây chiến tranh biên giới; tiến hành bao vây, cấm vận, phá hoại nhiều mặt; trong khi đó, những hạn chế của cơ chế quản lý cũ không còn phù hợp; kinh tế - xã hội dần lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng; đời sống nhân dân quá khó khăn… Điều đó đã tác động trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, đến tư tưởng, cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã nỗ lực vươn lên, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu chuyển từ chức năng, nhiệm vụ của khu phố quản lý hành chính - xã hội sang quận quản lý kinh tế, hành chính - xã hội. Đảng bộ, chính quyền Quận Ngô Quyền vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Trung ương, Thành phố vào tình hình thực tế của quận, phát huy vai trò của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể quần chúng, khắc phục khó khăn, khơi dậy và khai thác được tiềm năng, thế mạnh, hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ chính trị. Những thành tựu đã đạt được và cả những tồn tại, yếu kém đều là những bài học kinh nghiệm quí cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quận Ngô Quyền vững tin bước vào thời kì thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Năm 1986 đất nước và thành phố diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quận Ngô Quyền tham gia các đợt sinh hoạt chính trị tham gia vào dự thảo các văn kiện sẽ trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XV, đồng tình và phấn khởi trước quyết tâm và chủ trương đổi mới của Đảng.
Từ năm 1986-1989, với quyết tâm phấn đấu xây dựng Ngô Quyền trở thành quận có tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, hình thành và mở rộng ngành dịch vụ, xây dựng đô thị văn minh, lịch thiệp, an ninh và quốc phòng vững mạnh. Ngành tiểu thủ công nghiệp quận liên tục giữ vững danh hiệu đơn vị lá cờ đầu thành phố. Nhiều hợp tác xã được thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc. Do những thành tích trên, toàn ngành tiểu thủ công nghiệp quận tiếp tục được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Nhất.
Năm 1991, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông âu sụp đổ, Liên bang Xô viết tan rã. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh “Bao vây cấm vận”, thực hiện “Diễn biến hòa bình” nhằm gây bạo loạn lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tình hình đó đã tác động mạnh đến tư tưởng, niềm tin của đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới. Đảng bộ, chớnh quyền Quận Ngụ Quyền đó lónh đạo, chỉ đạo tập trung mọi lực lượng, tranh thủ mọi thời cơ, xây dựng Ngô Quyền trở thành quận có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển với tốc độ cao và bền vững, đi đôi với chăm lo giải quyết tốt các vấn đề văn hoá - xã hội; xây dựng đô thị văn minh lịch thiệp; đảm bảo quốc phòng - an ninh; tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn những năm sau”.
Hơn một thập kỷ (1986-2000) thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quận Ngô Quyền đã đạt được những thành tựu tương đối toàn diện trên các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (1991-2000), giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó là tiền đề quan trọng để Quận Ngô Quyền vững bước vào thế kỷ XXI với thế và lực mới.
Từ năm 2001 - 2020, Đảng bộ Quận Ngô Quyền tiến hành năm kỳ Đại hội (XIX-XXIII). Nghị quyết của các kỳ Đại hội đã phản ánh rất rõ nét sự đổi mới trong tư duy, nhận thức thực tiễn, quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, khai thác các nguồn lực xây dựng quận phát triển nhanh, bền vững:
Kinh tế quận phát triển tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá. Giai đoạn 2001-2005, kết quả thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm là 17,8%, gia đoạn 2006-2010, kết quả thu ngân sách nhà nước hằng năm đều đạt và hoàn thành vượt mức dự toán giao, đạt tốc độ bình quân là 21,2% năm. Giai đoạn 2015-2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 1,5 lần, từ 762 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 1.136 tỷ đồng năm 2020 trong đó thuế ngoài quốc doanh tăng mạnh từ 311 tỷ đồng lên trên 600 tỷ đồng, tăng 1,9 lần, là địa phương có số thu ngân sách (trừ tiền sử dụng đất) cao nhất khối quận, huyện thành phố.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, tỷ trọng thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 chiếm khoảng 80%. Là địa phương có số doanh nghiệp chiếm trên ¼ số doanh nghiệp thương mại-dịch vụ toàn thành phố với 28,23% doanh thu. Kinh tế dịch vụ phát triển nhanh, ngày càng khẳng định vai trò chủ lực trong kinh tế quận. Đã thu hút được các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, góp phần cải thiện diện mạo đô thị quận ngày càng khang trang, hiện đại.
- Công tác quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường và đầu tư xây dựng có những chuyển biến tích cực. Quận đã cùng thành phố và Trung ương triển khai nhiều dự án xây dựng và phát triển đô thị, trong đó có những dự án lớn của thành phố như khu đô thị mới Ngã Năm - Sân bay Cát Bi; chung cư Đồng Quốc Bình; khách sạn Pulmen; cải tạo, chỉnh trang sân vận động Máy Tơ thành công viên cây xanh... Các công trình được triển khai, góp phần chỉnh trang và làm thay đổi diện mạo đô thị của quận, làm cho đô thị của quận thay đổi rõ nét theo hướng đô thị văn minh, hiện đại nhất là các công trình trường học, điện chiếu sáng, các công trình văn hoá thể thao, trụ sở một số phường được nâng cấp, cải tạo khang trang, hiện đại.
- Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, y tế đạt được nhiều kết quả quan trọng; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được chú trọng cả 3 mục tiêu: “Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”. Quy mô, chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, ngành học, các loại hình giáo dục - đào tạo được giữ vững và nâng lên. Đến nay toàn quận có 20 trường chuẩn quốc gia, ngành giáo dục quận luôn duy trì vị trí là 1 trong 3 đơn vị đứng đầu thành phố. Phong trào văn hóa văn nghệ thể thao phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân. Tỷ lệ tổ dân phố văn hóa đạt 89,7%; gia đình văn hóa đạt 93,7%. Công tác y tế, dân số - gia đình và trẻ em vẫn duy trì các kết quả đã đạt được. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được cải thiện. Hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu của chương trình mục tiêu y tế - dân số. Có 9/13 phường đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn đến 2020.
Các chính sách đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội được chú trọng. Chỉ trong 5 năm từ 2015-2020 đã vận động xã hội hóa trên 56 tỉ đồng chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội. Hỗ trợ xây mới, sửa chữa 256 nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,08%. Đặc biệt là địa phương đầu tiên của thành phố có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng ngay trong những ngày đầu phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng triển khai nhiều công trình, dự án thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn: Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ quận; ủng hộ kinh phí xây tặng Nhân dân xã Đồng Minh huyện Vĩnh Bảo “Nhà văn hóa đa năng”; Ủng hộ xây dựng Trạm xá trên đảo Sinh Tồn...
- Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội quận; cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng. Hằng năm, quận đều hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. An ninh chính trị được giữ vững, ổn định, chủ động nắm chắc tình hình, không để xảy ra “bị động bất ngờ” và phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự.
- Công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính nhà nước có sự đột phá, Quận Ngô Quyền là một trong những đơn vị quận, huyện trong cả nước đi đầu trong triển khai cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Từ năm 2007-2010, Quận Ngô Quyền được Nhà nước chọn là đơn vị làm điểm công tác rà soát thủ tục hành chính cấp quận. Chính quyền từ quận đến phường đã nghiêm túc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các cơ quan hình chính nhà nước ở địa phương, trở thành điểm sáng của cả nước. Đến nay, cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tiếp tục là đơn vị đứng trong tốp đầu khối quận, huyện về chỉ số cải cách hành chính. Hoàn thành thí điểm xây dựng “Chính quyền điện tử” quận.
- Công tác xây dựng Đảng được triển khai toàn diện, đồng bộ và có nhiều đổi mới. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TU. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đã đạt được kết quả bước đầu; đảm bảo mục tiêu tinh gọn, giảm đầu mối, giảm biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Tổ chức cơ sở đảng thường xuyên được củng cố kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả của 84 tổ chức cơ sở đảng với gần 12 nghìn đảng viên
***
Từ khi thành lập 7/1961, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quận Ngô Quyền đã kế thừa truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của đội ngũ công nhân và nhân dân lao động trên vùng đất Ngô Quyền vừa đẩy mạnh sản xuất vừa chiến đấu, tích cực chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ sau ngày đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Đảng bộ Quận Ngô Quyền đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, đề ra những chủ trương, giải pháp nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, tạo những đột phá về cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Quận Ngô Quyền từng bước trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.
Ghi nhận thành tích và những cống hiến to lớn đó, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân quận đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 01 Huân chương Độc Lập hạng; 06 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; 06 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 01 Huân chương Quân công hạng Nhì và nhiều Huân chương Lao động các hạng. Toàn quận có 85 cán bộ lão thành cách mạng, 67 Mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Quận Ngô Quyền vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý- Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Một chặng đường 60 năm kể từ ngày thành lập, Quận Ngô Quyền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong mỗi thời kỳ lịch sử, lập nên những truyền thống quý báu mà lớp lớp cán bộ, đảng viên và Nhân dân quận luôn biết trân trọng, giữ gìn, phát huy. Đó là niềm tự hào, là nền tảng vững chắc giúp Quận Ngô Quyền không ngừng trưởng thành, phát triển toàn diện trong thiên niên kỷ mới, quyết tâm xây dựng quận là trung tâm thương mại - dịch vụ của thành phố vào năm 2025, trở thành đô thị phát triển hiện đại, thông minh, bền vững vào năm 2030.